Chương 5

Dù sao cũng là đồng nghiệp, lại từng nhờ vả người ta chuyện quan trọng nên khi cán bộ kia chết, bố của Phạm Hồ Quang - Phạm Hùng Sa rất nhanh chóng có mặt tại nhà nạn nhân. À mà gọi là nạn nhân cũng không đúng vì sau đó ông ta được xác nhận là tự tử. Phạm Hùng Sa lập tức bị bức họa Mona Lisa hút hồn. Không rõ ông ta nói với bà quả phụ của cán bộ kia thế nào mà sau lễ ba ngày của chồng, bà đưa bức tranh cho Phạm Hùng Sa. Rước bức tranh về nhà, Sa treo nó ở ngay phòng khách, bất chấp mọi lời phản đối của vợ. Lý lẽ của người vợ rất đơn giản: bức tranh này trông quá đáng sợ, u ám, thậm chí còn có phần quỷ dị. Nhưng bà bị chồng mắng cho té tát. Sa nói vợ không hiểu gì về nghệ thuật, không biết cảm thụ cái đẹp. Người phụ nữ trong tranh xinh đẹp, hiền hòa; màu sắc, bố cục tươi đẹp thế kia mà còn chê thì chắc Mona Lisa của Da Vinci mới thỏa mãn nổi bà. Phạm Hồ Quang nghe bố mẹ tranh cãi mà không biết bênh ai. Cảm nhận của hắn về bức tranh này giống hệt mẹ nhưng sau vụ án Huyền Linh, hắn chẳng còn chút tiếng nói nào trong nhà, chỉ cần bố lừ mắt một cái là hắn câm bặt. Cuối cùng, hắn dỗ mẹ cứ kệ bố đi, mấy nữa người ta chê thì bố sẽ chán ngay ấy mà. Nhưng khách tới chơi không ai chê bức họa như mong muốn của mẹ con Phạm Hồ Quang. Có lẽ vì nể mặt chủ nhà, người nào tới cũng dành tặng những lời khen có cánh khiến ông Sa càng vui vẻ. Ông ta ngày càng si mê bức tranh hoặc có thể nói là người phụ nữ trong tranh. Cứ đi làm về, ông ta lại nhanh nhanh chóng chóng làm cho xong các việc khác rồi bê ấm trà tới ngồi trước bức họa, vừa nhâm nhi vừa ngắm tranh. Vợ con ông cảm thấy ngán ngẩm nhưng không dám nói gì. Gia đình này có thông lệ là cứ đến Tết thì cả gia đình sẽ thuê thợ ảnh tới chụp một bức toàn cảnh có mặt mọi thành viên trong gia đình rồi phóng lớn ra, lồng vào khung gỗ làm kỷ niệm. Năm đó cũng không phải ngoại lệ, chỉ hai ngày sau khi chụp, cửa hàng ảnh gọi điện cho ông Sa tới lấy hàng. Năm nay, gia đình ông cũng chụp trong phòng khách, vị trí như mọi năm nhưng khác một chút là phông nền đằng sau thay vì bức tường trống như các năm trước thì có bức họa Mona Lisa. Thợ ảnh đưa cho ông Sa cái khung lồng tấm ảnh đã rửa, rụt rè hỏi chú có vừa ý với ảnh không. Anh thật sự không hiểu nổi tại sao chụp ảnh Tết cả nhà lại đi chọn cái nền trông gớm chết như vậy. Ông Sa nhìn bức ảnh trong khung, run rẩy suýt đánh rơi luôn xuống đất. Mona Lisa trong ảnh khác hoàn toàn với thứ mà ông vẫn nhìn thấy hằng ngày. Người phụ nữ mà ông nhìn thấy trên bức tranh thật vô cùng xinh đẹp. Mặc dù đã ngoài bốn mươi nhưng gương mặt phúc hậu, đằm thắm của bà khiến ông Sa mỗi lần nhìn ngắm lại thêm mê mẩn còn người phụ nữ trong hình này đẩy vẻ khắc khổ, bi thương. Ba con mắt trên trán bà nhìn xoáy vào ông Sa như một tiếng thét câm lặng. Ông ta lập cập cho bức tranh vào cốp xe rồi ngồi vào ghế lái. Hôm ấy trời rét buốt, u ám đến thê lương, lá cây bên đường trút xuống như mưa. Một cơn gió cuối đông ào tới, hắt đám lá vào kính trước ô tô. Ông Sa ấn nút chạy cần gạt, định gạt lá sang bên. Bỗng những chiếc lá thuôn dài biến thành các con mắt đen thui, tròng trắng vằn sợi máu đỏ. Chúng bám chặt vào kính xe. Những con mắt dính vào cần gạt lắc lư sang trái sang phải theo nhịp điều gạt nước. Đồng tử mắt bị ma sát với kính trở nên mờ đục, bắt đầu rỉ máu. Con mắt to nhất biến thành cái miệng đang ngoác ra; trong đó không có lưỡi - nó đã bị cắt mất. Ông ta chợt nhớ tới nhân chứng trong vụ đâm xe của thằng con trai mấy năm về trước, để dọa cô câm mồm, ông ta đã sai người cắt lưỡi cô. Ông ta rú lên kinh hãi, đạp mạnh chân ga. Máu trào ra từ cái miệng, theo gạt nước nhoe nhoét đầy trên kính, che khuất tầm nhìn. Chiếc xe tông mạnh vào một gốc cổ thụ. Xe cổ lỗ sĩ không bung túi khí. Kính xe vỡ tan, một thanh rào quanh cây chọc thẳng vào xe, đục thủng xương mặt ông Sa. Trên mặt ông ta chỉ còn một hốc máu lớn, không còn nhìn thấy hai mắt nữa.