Chương 26: Giấc mộng bành trướng dang dở

Lưu Kỳ hôm nay đối với Khoái Việt xem như moi tim đưa bụng, nói chuyện với nhau một phen. Sở dĩ có lần nói chuyện hôm nay, là bởi vì Lưu Kỳ biết, tông tặc bình định sau, người được lợi không chỉ là Lưu thị phụ tử, Thái, Khoái hai nhà còn được lợi lớn hơn. Từ nay về sau, Kinh Châu một thời gian dài sẽ trở thành cục diện cộng trị lấy Lưu thị cùng Thái, Khoái hai đại tộc làm trung tâm. Trong tình huống song phương lẫn nhau kiềm chế, lẫn nhau cân bằng này, Lưu Kỳ phải tận lực đi tranh thủ những người cao minh trong Thái, Khoái hai tộc, không cầu bọn họ phản chiến đứng về phía mình, chỉ mong muốn khi mình hướng ra ngoài phát triển sẽ giảm bớt một phần lực cản. Lý niệm phát triển của Lưu Kỳ rất đơn giản - không thể cố thủ chờ chết ở Kinh Châu, muốn mở rộng tầm nhìn chiến lược, từng bước đối ngoại khuếch trương. Nói thì đơn giản, kì thực rất khó xử lý. Đến Kinh Châu, Lưu Kỳ căn cứ vào thái độ của các tông tộc Kinh Châu, kết hợp với hành vi trong lịch sử của Lưu Biểu, đại khái suy đoán ra nguyên nhân căn bản khiến Lưu Biểu thống trị Kinh Châu mười tám năm mà không thể phát triển ra bên ngoài một bước. Có người nói Lưu Biểu thích cố thủ, không có chí lớn, đây chỉ là một phương diện. Lưu Biểu đơn độc đến Kinh Châu, dựa vào các tông tộc như Thái, Khoái thành sự, tuy trong thời gian ngắn đã đứng vững gót chân, nhưng cũng tự tạo cho mình một cái lồng giam kiên cố, chỉ có thể cố thủ, không thể tiến thủ. Thế lực của các vọng tộc như Thái, Khoái bành trướng, khiến rất nhiều chức vị quan trọng trong quân chính Kinh Châu đều rơi vào tay vọng tộc, tạo thành kết quả là mỗi một bước hành động của Lưu Biểu đều phải được các cường tộc Kinh Châu tán thành, Lưu thị mới có thể thực hiện. Khi lợi ích của Lưu Biểu và các tộc Thái, Khoái nhất trí, sẽ hành động thuận lợi, xuôi gió xuôi nước. Chỉ cần ý nghĩ của Lưu Biểu không nhất trí với lợi ích của các tông tộc Kinh Châu, Lưu Biểu đừng mơ tưởng làm thành bất cứ việc gì. Lợi ích của Lưu Biểu và các gia tộc quyền thế Kinh Châu lúc nào thì nhất trí? Đó là khi bọn họ đều hi vọng Kinh Châu ổn định! Trước sự xâm lược của kẻ thù bên ngoài, hoặc khi bình định nội loạn Kinh Châu, các gia tộc quyền thế Kinh Châu ủng hộ Lưu Biểu vô cùng, cho nên trong mười tám năm ở Kinh Châu, Lưu Biểu làm rất xuất sắc trong những chiến sự mang tính phòng ngự. Lợi ích của các gia tộc quyền thế Kinh Châu và Lưu Biểu khi nào thì không nhất trí? Khi đối ngoại khuếch trương. Từ ngày Lưu Biểu dùng Thái, Khoái bình định xong tông tặc Tương Dương, Kinh Châu không còn là Kinh Châu của riêng Lưu Biểu nữa, mà là Kinh Châu do các gia tộc quyền thế Tương Dương và Lưu Biểu cùng sở hữu... Đối ngoại tranh bá, nếu đánh thua thì sao? Ai gánh chịu tổn thất? Chiến tranh cần tiêu hao tiền lương, sẽ làm giảm nhân khẩu và sức sản xuất! Giả sử đánh thắng thì sao? Lợi ích nên phân chia như thế nào? Nhỡ đâu trong quá trình đối ngoại chiến tranh, thực lực của Lưu Biểu lớn mạnh, không còn bị chư tộc Tương Dương kiềm chế nữa thì làm sao? Trong lúc mở rộng địa bàn, thế lực Kinh Châu lại không ngừng thu nạp vọng tộc ngoại lai, phá vỡ cân bằng hiện có dưới trướng Lưu Biểu thì sao? Tiếng nói của đại tộc Tương Dương trước mặt Lưu Biểu còn có thể lớn đến đâu? Đã đối ngoại phát triển, tất cả đều là không xác định, vậy thì dứt khoát đừng đánh! Xưng vương xưng bá ở Kinh Châu, chư tộc chúng ta đều ủng hộ Lưu phu quân, chẳng phải rất sung sướng sao? Theo mạch này mà sống, trước khi Lưu Biểu chết, Kinh Châu vẫn luôn vững như Thái Sơn, mọi người đều sống trong nhung lụa, nhưng sau khi Lưu Biểu chết, những vọng tộc kia lập tức mang theo bọc, dâng đầu Lưu thị đầu hàng Tào Tháo! Hơn mười tộc trưởng của chư tộc Tương Dương đều được Tào Tháo phong Hầu. Vậy người chịu tổn thất là ai? Chỉ có một mình Lưu thị mà thôi. Nhưng làm sao mới có thể phá vỡ lồng giam của vọng tộc đây? Lưu Kỳ tổng kết ra ba biện pháp. Thứ nhất là phát triển thực lực quân sự của chính Lưu thị, từng bước gia tăng thẻ đánh bạc, nắm giữ quyền lên tiếng về quân sự. Lưu Kỳ trước mắt thu nạp Hoàng Trung, hợp nhất tư quân của các tông tộc, cướp đoạt quân phản loạn của Trương Hổ và Trần Sinh chính là đang làm việc này. Thứ hai là thu nạp lực lượng từ bên ngoài, bao gồm cả người mới từ bên ngoài đến và lực lượng quân sự cấp hai để cân bằng nội bộ Kinh Châu, phương pháp này Lưu Biểu cũng từng dùng trong lịch sử. Thứ ba, chính là từ trong số những vọng tộc Kinh Châu này tìm ra người cùng chí hướng, thuyết phục bọn họ từ nội bộ, ủng hộ Lưu thị hướng ra ngoài phát triển. Khoái Việt là mục tiêu đầu tiên của Lưu Kỳ. So với những người bảo thủ như Thái Mạo và Khoái Lương, Lưu Kỳ có thể nhìn ra Khoái Việt là người thực sự có chí hướng, có lẽ hắn sẽ chấp nhận chuyện đối ngoại phát triển. Cho nên Lưu Kỳ nhân cơ hội hôm nay, muốn khơi dậy chí khí của hắn. Trên thực tế, Lưu thị phụ tử từng bước lớn mạnh trong quá trình đối ngoại phát triển cũng là một loại đầu tư đối với những đại tộc sơ khai lập nghiệp này. Một khi thành công, lợi ích thu được sẽ vượt xa tưởng tượng, dù sao cũng hơn hẳn việc tất cả mọi người cứ ru rú trong Kinh Châu đợi vài chục năm. Nhưng hôm nay, Lưu Kỳ chỉ mới tiết lộ suy nghĩ của mình cho Khoái Việt, có một số việc không phải mình hắn có thể quyết định. Khoái Việt là người thông minh, hắn cần từ từ tiêu hóa, từ từ suy nghĩ, từ từ trù tính. Lưu Kỳ không nóng vội, hắn cảm thấy cuối cùng Khoái Việt sẽ hiểu ra. ... Vào ngày chém đầu Trương Hổ và Trần Sinh, Lưu Bàn nhanh chóng dẫn binh vào thành Tương Dương. Trong lúc Thái Mạo bị thương, không kịp phản ứng, Lưu Bàn tiếp nhận binh mã dưới trướng Trương Hổ và Trần Sinh đầu hàng, đồng thời tiếp quản phòng thủ thành Tương Dương. Đến đây, Lưu Kỳ mới coi như thay Lưu thị chiếm cứ khu vực phía bắc Nam Quận. Trong chính sảnh nha môn Tương Dương, Lưu Kỳ vuốt ve trường án được bài trí ở chính giữa sảnh, lại đưa tay sờ lên thanh ấn ngân thụ khắc bốn chữ "Thủ Ân Tương Dương", trên mặt lộ ra nụ cười nhẹ nhàng. Trường án rộng ba thước này chính là tượng trưng cho quyền lực! Lưu Bàn phấn khởi nói: "Bá Du, đất Tương Dương rốt cục đã thuộc về chúng ta, từ nay về sau, tộc nhân Lưu thị ta có thể thỏa sức khát vọng trên vùng đất Kinh Sở này rồi!" Hoàng Trung cũng nói: "Chúc mừng thiếu quân! Thiếu quân tương trợ Thứ sử đoạt Tương Dương, tru diệt tông tặc, quả thật là kỳ công, phóng nhãn thiên hạ, người trẻ tuổi như thiếu quân mà làm nên đại sự như vậy, chỉ đếm trên đầu ngón tay." Lưu Kỳ chắp tay với Hoàng Trung nói: "Nếu không có Hoàng Tư mã, sao có thể có Lưu Kỳ ngày hôm nay? Ta phải cảm ơn ngươi mới đúng." Hoàng Trung vội nói: "Thiếu quân không được nói quá lời." Lưu Kỳ cười nói: "Hoàng Tư mã đã lập công lớn cho Lưu thị ta, Tư mã cứ yên tâm, chờ phụ thân trở về, ta nhất định sẽ bẩm báo công lao của Tư mã, phòng thủ thành Tương Dương giao cho Tư mã cùng Hoàng Tự đồng chưởng, tính mạng của người nhà họ Lưu ta giao phó cho hai cha con ngươi." Hoàng Trung cảm động trong lòng, Lưu Kỳ đây là thật sự xem cha con ông như người nhà. Lưu Kỳ lại nhìn về phía Lưu Bàn, hỏi: "Đường huynh, tính cả số quân chiêu hàng được từ Trương Hổ và Trần Sinh, chúng ta tổng cộng có bao nhiêu binh mã?" Nói đến chuyện này, mặt mày Lưu Bàn lập tức rạng rỡ hẳn lên. "Đường đệ, tính sơ sơ, số quân trực tiếp thuộc quyền quản hạt của Lưu thị ta đã không dưới năm ngàn người!" Lưu Kỳ không cười, chỉ nói: "Số lượng tăng lên là chuyện tốt, nhưng dù sao bọn họ cũng là hàng quân, chưa nói đến chiến lực cao thấp, có thể hoàn toàn tin tưởng hay không còn chưa biết được." Nghe vậy, Lưu Bàn nói: "Sao lại không thể tin tưởng? Khi cướp thành Tương Dương, chẳng phải những tư binh tông tộc kia đều rất dễ dàng đầu hàng sao?" Hoàng Trung ở bên cạnh nói: "Bàn công tử, trận chiến hôm nay do chúng ta đã chém đầu Trương Hổ và Trần Sinh trước trận, khiến quân giặc tan rã, không thể phản kháng, nên mới đánh đâu thắng đó, những hàng quân kia không sinh biến cố cũng là hợp tình hợp lý, nhưng về sau, khi gặp phải trận chiến ác liệt, bọn họ sẽ có phản ứng gì, e là khó mà đoán trước được." Lưu Kỳ hỏi: "Vậy nên xử lý như thế nào?" Hoàng Trung chắp tay nói: "Phải để thiếu quân ban thưởng cho những binh sĩ này, lại do mạt tướng cùng Bàn công tử huấn luyện, ban bố quân kỷ, tìm một trận đánh lớn cho các tướng sĩ tôi luyện, mới có thể thành sự!"